1. Nắm bắt các dấu hiệu
Bố mẹ hãy để ý đến con và nhận ra những dấu hiệu lúc con sắp mất bình tĩnh, cáu giận và lăn đùng ra khóc lóc. Vì thế, bố mẹ có thể kịp thời giúp con xoa dịu và hạn chế dần dần. Sau đó, bố mẹ hãy dạy cho con nhận biết những dấu hiệu đó của bản thân để có thể kiểm soát những cơn giận dữ bộc phát tốt hơn.
2. Phân tâm
Làm phân tâm sự chú ý của con sang đồ vật hoặc sự việc khác, cơn giận dữ sắp bùng nổ có thể biến mất không dấu. Sự đánh lạc hướng với những món đồ chơi luôn hiệu quả với những đứa trẻ ở độ tuổi lên 3.
3. Nghỉ ngơi
Cho con tạm dừng việc đang làm, tách con ra khỏi hiện trường. Bố mẹ sẽ cho con một cơ hội để bình tĩnh lại và làm dịu chính mình – đó là một kỹ năng quan trọng cần học được từ bé.
Có trẻ bình tĩnh lại khi được ngồi hoặc nằm chơi với món đồ chơi yêu thích. Khi lớn hơn, bố mẹ có thể dạy con hít thở thật sâu, đếm từ 1 đến 7 hoặc 10 trước khi tiếp tục nói chuyện tiếp.
4. Tự kiểm soát bản thân
Đây là một cách làm gương điển hình và cực kỳ hiệu quả. Nhìn vào cách xử lý tình huống, bình tĩnh và tự kiểm soát của bố mẹ, trẻ sẽ bắt chước và làm theo như thế.
Chính vì thế, trước khi phát cáu, hãy lùi lại một bước, hít thở thật sâu và cho mình thời gian để tập trung trở lại.
5. Bình tĩnh nói chuyện
Giải thích cho con hiểu, với giọng nói rõ ràng và bình tĩnh chứ không bực bội hay la lên. Nhắc cho con biết đó là quy luật và không thể hiện quá nhiều cảm xúc khi nói.
Nếu con phạm lỗi mà bố mẹ vẫn ôm hay dỗ dành để làm cho con bình tĩnh lại thì con sẽ tiếp tục sự cáu kỉnh của mình.
6. Hài hước một chút
Có một điều khá hay ho là các ông bố thường rất biết cách làm cho con của mình cười. Chọc ghẹo con một chút lúc đó có thể làm thay đổi tình huống, giúp con vui vẻ trở lại. Có thể trong tương lai con cũng sẽ trở thành một người hài hước giống bố.
7. Bày tỏ cảm xúc
Đôi lúc con cảm thấy khó chịu bực bội vì không thể nói được cảm xúc của mình lúc đó là như thế nào, đôi lúc cáu kỉnh một phần là do thất vọng.
Giúp con hiểu và nói về cảm xúc của mình. Dạy con rằng mọi người đều sẽ có lúc cảm thấy buồn và rất bình thường và tự nhiên nếu thể hiện điều đó.
Hỏi những câu như là “Đã xảy ra chuyện gì?”, “Con cảm thấy thế nào?” để khơi gợi con bày tỏ ý kiến của mình và bình tĩnh trở lại.
8. Xác định nguyên nhân
Đôi lúc con khó chịu vì những thay đổi bên ngoài hoặc chịu tác động của môi trường sống. Hãy chơi trò chơi cùng con, nói chuyện với con để tìm hiểu suy nghĩ. Xác định nguyên nhân chính xác là cách tốt nhất để nghĩ ra biện pháp khắc phục phù hợp nhất.
9. Nhận trợ giúp
Nếu con thường xuyên cáu kỉnh khó chịu, phát triển thụt lùi vài kỹ năng đang được học, không thích đến nhà trẻ, không còn hứng thú với những hoạt động và trò chơi mà trước đây con rất thích… rất có thể con gặp một chút vấn đề về tâm lý. Tư vấn ý kiến chuyên gia lúc này sẽ giúp đỡ bố mẹ và con vượt qua giai đoạn này.