Việc tốt nhất chúng ta có thể làm, đó là cố gắng ngăn cản được bé khi bé muốn cắn bạn. Xin được nhắc lại, đó là việc tốt nhất.
Còn 1 khi em bé đã cắn bạn rồi. Chúng ta có thể xử lý như sau:
Chúng ta cần đến và thể hiện cảm xúc của mình là cảm xúc không đồng ý, thể hiện sự không thoải mái với hành động của trẻ, NHƯNG tuyệt đối không được làm trẻ sợ và không thể hiện sự tiêu cực quá mức trên khuôn mặt (kiểu mắt chữ O mồm chữ A rồi bảo “thôi chết rồi”, “trời đất ơi”…) bởi nếu không thì sẽ khiến đứa trẻ càng tức giận hơn nữa.
Nhiều lúc chúng ta không quan sát hết được tình huống và không biết em bé cắn bạn với nguyên nhân nào, bởi vậy, nếu em bé cắn bạn khi bạn vừa làm đau mình mà chúng ta thể hiện thái độ tiêu cực đó, em bé sẽ càng ghét chúng ta và không muốn gần chúng ta nữa. Em bé sẽ thấy chúng ta không công bằng.
Nhưng nếu chúng ta chỉ thể hiện sự lo lắng, lo sợ và nói “ôi cắn là đau” (ngôn ngữ càng đơn giản càng tốt), và vuốt tay vào bạn bị cắn nói “Jerry là bạn, Jerry là bạn, chúng mình yêu thương và nhẹ nhàng với bạn, hãy chạm vào bạn 1 cách nhẹ nhàng nào (vừa nói vừa làm cho trẻ làm theo).
Nếu trẻ vẫn ngần ngừ và bối rối, có thể nói với trẻ “đi theo mẹ nào, chúng mình lấy khăn ướt và chườm vết thương cho bạn nhé, bạn đang đau đấy, chúng ta phải giúp bạn để bạn cảm thấy dễ chịu hơn”.
Em bé thường thích làm việc này vì được chạm vào nước, em bé sẽ tự làm ướt khăn và chườm vào vết thương mình vừa gây ra cho bạn. Điều chúng ta muốn là em bé học cách phải chịu trách nhiệm và giải quyết, sửa lỗi và bù đắp lại cho người mình đã làm đau.
Đừng bao giờ nói với trẻ “con PHẢI xin lỗi bạn đi”, thay vào đó hãy nói “con có muốn nói xin lỗi bạn không”, “có thể con nói xin lỗi sẽ khiến bạn đỡ đau hơn đấy”, nếu trẻ cảm thấy rất ngại ngùng với từ “xin lỗi”, có thể hỏi trẻ “con có muốn ôm bạn 1 cái để bạn cảm thấy dễ chịu không”…
Nếu em bé luôn nói “không”, chúng ta cần hỏi trẻ “có phải con đang cảm thấy tức giận không, có phải con rất cáu bạn không”. Chờ trẻ trả lời sau đó nói nhẹ nhàng “ok, mẹ hiểu rồi, mẹ đã thấy con tức giận thế nào rồi, um…nhưng mà cảm giác tức giận thì không sao cả, nhưng cắn bạn là không hay chút nào”.
(Nếu mời gọi em bé đi chăm sóc bạn mà em bé từ chối thì phải để ý đến cảm xúc của bé, bởi tức là em bé vẫn rất tức giận bạn và có thể em bé sẽ cắn bạn 1 lần nữa. Và với trẻ đã trên 30 tháng tuổi, chúng ta hãy hỏi trẻ “bây giờ con cần làm gì để bạn cảm thấy dễ chịu hơn đây”)
Yêu cầu em bé xin lỗi khi em bé chưa muốn thì đó là 1 lời nói dối, em bé buộc phải xin lỗi vì sợ hãi hoặc vì mục đích khác (như “xin lỗi bạn đi rồi mẹ yêu”) chứ không phải bởi em bé thấy mình đã làm đau người khác. Ra lệnh hoặc yêu cầu trẻ phải chịu trách nhiệm có điều kiện không bao giờ có kết quả tốt. Bởi chịu trách nhiệm cũng cần sự tình nguyện.
Khi chúng ta tỏ ra dễ chịu, quan tâm tới em bé và mong muốn cùng em bé, giúp em bé giải quyết “hậu quả”, em bé sẽ thấy chúng ta là bạn, có thể tin cậy được vào chúng ta. Ngược lại, chúng ta căng thẳng với em bé sẽ khiến em bé thấy chúng ta thuộc phe đối ngược, thay vì muốn chịu trách nhiệm cho hành động cắn vừa rồi, em bé sẽ mải lo lắng và chiến đấu thêm với 1 đối tượng là chúng ta nữa.
Cho nên từ rất là sớm chúng ta cần cho trẻ hiểu là luôn có bố mẹ, cô giáo ở bên bảo vệ, giúp đỡ con khi con cảm thấy bất lực và con không cần phải dùng răng để giải quyết vấn đề của mình. Cho em bé 1 môi trường êm ả, bình an, và người lớn trong môi trường đó rất sẵn lòng đáp ứng cảm xúc của trẻ, quan tâm đến các vấn đề của trẻ, trẻ có sự tin cậy là “khi mình bất lực thì cha mẹ sẽ đến giúp ngay, cha mẹ thấu hiểu nhu cầu và sự khó khăn của mình” thì em bé càng hạn chế và chấm dứt việc cắn bạn, cắn người khác.
Nguồn: Sưu tầm